21. Thiền

Chỉ quan sát thôi

Sau khi đã chỉ trích rất nhiều câu chuyện, liên quan đến tôn giáo và hệ tư tưởng, để cho công bằng, giờ đến lượt tôi đặt mình vào tầm ngắm và giải thích làm thế nào mà một người đa nghi đến thế vẫn có thể vui vẻ thức dậy mỗi sáng. Tôi chần chừ làm việc này phần là vì nỗi sợ nuông chiều bản thân, phần là vì tôi không muốn mọi người có ấn tượng sai lầm rằng cái gì có tác dụng với tôi cũng có tác dụng với tất cả mọi người. Tôi ý thức rất rõ rằng, không phải ai cũng giống mình về những lắt léo trong vật liệu di truyền, nơron thần kinh, quá trình sống và dharma cá nhân. Nhưng có lẽ độc giả nên biết cặp kính mà tôi dùng để nhìn thế giới, từ đó bóp méo tầm nhìn cũng những viết lách của tôi, có màu gì.

Ở tuổi teen, tôi hoang mang và không thể ngồi yên một chỗ. Thế giới chẳng có ý nghĩa gì với tôi và tôi không có câu trả lời nào cho những câu hỏi lớn về cuộc đời. Đặc biệt, tôi không hiểu tại sao có quá nhiều khổ đau trên thế giới và trong chính cuộc đời mình đến vậy, có thể làm điều gì với chúng đây. Tất cả những gì tôi có được từ mọi người xung quanh và những cuốn sách tôi đọc là các câu chuyện hư cấu công phu: Các truyền thuyết tôn giáo về các vị thần và Thiên Đường, các truyền thuyết dân tộc về đất mẹ và sứ mệnh lịch sử của nó, các truyền thuyết lãng mạn về tình yêu và phiêu lưu, hay các truyền thuyết tư bản về phát triển kinh tế và việc mua và tiêu dùng các thứ sẽ khiến tôi hạnh phúc như thế nào. Tôi có đủ nhận thức để hiểu rằng có lẽ chúng là hư cấu, nhưng tôi mù tịt cách tìm ra sự thật.

Khi bắt đầu đi học đại học, tôi nghĩ đấy sẽ là nơi lý tưởng để tìm thấy các câu trả lời. Nhưng tôi đã thất vọng. Thế giới học thuật cung cấp cho tôi những công cụ mạnh để phá huỷ toàn bộ những hư cấu mà con người từng tạo ra, nhưng nó không đưa ra những câu trả lời thoả đáng nào cho nững câu hỏi lớn của cuộc đời. Trái lại, nó khuyến khích tôi tập trung vào những câu hỏi ngày càng hẹp. Cuối cùng tôi thấy mình viết luận án tiến sỹ ở Đại học Oxford về các văn bản tự truyện của các chiến binh thời trung cổ. Như một sở thích bên lề, tôi tiếp tục đọc nhiều sách triết và có nhiều cuộc tranh luận triết học; nhưng dù việc này mang tính giải trí tri thức bất tận, nó hầu như không mang lại những thấu tỏ thật sự. Tôi cảm thấy cực kỳ bức bối.

Cuối cùng, người bạn tốt của tôi, Ron Merom, đã gợi ý tôi thử đặt tất cả sách vở cũng như các cuộc tranh luận tri thức của mình sang một bên trong vài ngày và theo một khoá thiền Vipassana (Vipassana nghĩa là “nội quan” trong ngôn ngữ Pali của Ấn Độ cổ). Tôi nghĩ nó là một thứ vớ vẩn được sùng bái thời Kỷ Nguyên Mới nào đó và vì không có hứng thú lắng nghe thêm một câu chuyện huyền thoại nào nữa, tôi không chịu đi. Nhưng sau một năm kiên nhẫn thúc giục, vào tháng Tư năm 2000, bạn tôi đã thuyết phục được tôi đi một khoá thiền Vipassana mười ngày.

Trước thời điểm đấy, tôi biết rất ít về thiền và nghĩ chắc nó bao gồm đủ loại lý thuyết bí hiểm phức tạp. Thế nên tôi kinh ngạc khi thấy hoá ra bài giảng lại thiết thực đến thế. Thầy S.N.Goenka tại khoá tu đã hướng dẫn học viên ngồi khoanh chân, nhắm mắt và tập trung tất cả sự chú ý của mình vào hơi thở đi vào và đi ra hai lỗi mũi. “Đừng làm gì cả”, thầy nói đi nói lại. “Đừng cố kiểm soát hơi thở hay thở theo bất cứ cách đặc biệt nào. Chỉ cảm nhận thực tế của khoảnh khắc hiện tại, dù nó là gì. Khi hơi thở đi vào, anh chỉ cần biết: giờ thì mình đang hít vào. Khi hơi thở đi ra, anh chỉ cần biết: giờ thì tâm trí mình đa đi ra khỏi hơi thở”. Đấy là điều quan trọng nhất mà bất cứ ai từng nói với tôi.

Khi người ta đặt ra những câu hỏi lớn của cuộc đời, họ thường không có chút hứng thú gì với việc biết khi nào hơi thở của họ đang đi vào lỗ mũi và khi nào thì nó đang đi ra. Thay vào đó, họ muốn biết những thứ như điều gì xảy ra sau khi bạn chết. Thế nhưng điều bí ẩn thực sự của cuộc đời không phải là cái gì xảy ra sau khi bạn chết và là cái gì xảy ra trước khi bạn chết. Nếu bạn muốn hiểu cái chết, bạn cần hiểu sự sống.

Người ta hỏi: “Khi tôi chết, tôi sẽ biến mất hoàn toàn ư? Liệu tôi có được lên thiên đường? Liệu tôi có được tái sinh vào một thân xác mới?” Những câu hỏi này dựa vào giả định rằng có một “tôi” tồn tại từ lúc sinh đến lúc chết và câu hỏi “Điều gì sẽ xảy ra với cái ‘tôi’ này khi chết?”. Nhưng có cái gì tồn tại bất biến từ lúc sinh ra đến lúc chết. Thân thể thay đổi theo từng khoảnh khắc. Anh càng quan sát bản thân kỹ lưỡng thì anh càng thấy rõ là không có cái gì bất biến thậm chí từ giây này sang giây sau. Thế thì cái gì gắn kết cả một cuộc đời? Nếu anh không có câu trả lời cho điều đó, anh không hiểu sự sống, và chắc chắn không có cơ may hiểu được cái chết. Nếu và chỉ khi anh phát hiện ra cái gì gắn kết sự sống lại với nhau, câu trả lời cho câu hỏi lớn về cái chết cũng sẽ trở nên rõ ràng.

Người ta nói “Linh hồn là bất biến từ lúc sinh ra cho đến lúc chết và do đó là thứ gắn kết sự sống lại với nhau”; nhưng đó chỉ là một câu chuyện. Bạn đã bao giờ quan sát thấy một linh hồn chưa? Bạn có thể tìm hiểu nó bất cứ lúc nào, không chỉ vào khoảnh khắc lìa đời. Nếu bạn có thể hiểu điều xảy ra với với bạn khi khoảnh khắc này kết thúc và khoảng khắc kia khởi đầu, bạn cũng sẽ hiểu điều gì sẽ xảy ra với mình vào lúc sự sống kết thúc. Nếu bạn có thể thực sự quan sát bản thân trong khoảng thời gian của một hơi thở, bạn sẽ hiểu được mọi thứ về khoảnh khắc ấy.

Điều đầu tiên tôi học được nhờ dõi theo hơi thở của mình là với tất cả những cuốn sách tôi đã đọc, và tất cả các lớp tôi đã tham gia ở trường đại học, tôi gần như không biết gì về tâm trí mình và sự kiểm soát mà tôi có với nó là rất ít ỏi. Dù nỗ lực bao nhiêu, tôi cũng không thể dõi theo được hơi thở của mình đi ra đi vào hai lỗ mũi quá mười giây trước khi trí óc lảng đi chỗ khác. Suốt nhiều năm ròng, tôi đã sống với ấn tượng rằng mình là ông chủ của cuộc đời mình, là CEO của thương hiệu cá nhân mình. Nhưng vài giờ thiền là đủ để cho tôi thấy mình gần như không có chút kiểm soát nào với bản thân. Tôi không phải là CEO, tôi thậm chí không được là người gác cửa. Tôi được yêu cầu đứng canh lối vào cơ thể, tức hai lỗ mũi, và chỉ cần theo dõi cái gì đi vào và đi ra; nhưng chỉ vài giây sau, tôi đã mất tập trung và bỏ gác. Đấy là một trải nghiệm sáng mắt sáng lòng.

Khi ở các khoá học tiếp diễn, các học viên được dạy dõi theo không chỉ hơi thở mà cả các cảm giác trên khắp cơ thể. Không phải là các cảm giác hạnh phúc và xuất thần, mà chỉ là những cảm giác tầm thường nhất: nóng, lạnh, áp suất, cơn đau, v.v. Phương pháp thiền Vipassana dựa trên sự thấu hiểu rằng dòng chảy tâm trí có gắn bó mật thiết với các cảm giác của cơ thể. Giữa tôi và thế giới luôn có các cảm giác của cơ thể. Tôi không bao giờ phản ứng với các cảm giác trong chính cơ thể mình. Khi cảm giác là khó chịu, tôi phản ứng tiêu cực. Khi cảm giác là dễ chịu, tôi phản ứng bằng khao khát được thêm nữa. Ngay cả khi chúng ta nghĩ mình phản ứng với một việc người khác đã làm, với dòng tweet mới nhất của Tổng thống Trump chẳng hạn, hay một ký ức thơ ấu xa lắc, sự thật là chúng ta luôn phải ứng với các cảm giác cơ thể tức thời của mình. Nếu bạn tức giận khi ai đó xúc phạm dân tộc hay thần linh của mình, điều khiến sự xúc phạm không thể chịu nổi là cảm giác bỏng rát trong bụng và cơn đau đớn đang bóp nghẹt trái tim. Dân tộc của chúng ta chẳng cảm thấy gì hết, nhưng cơ thể của chúng ta thì chịu đau thực sự.

Bạn muốn biết tức giận là gì ư? Vậy thì hãy dõi theo những cảm giác xuất hiện và biến mất trong cơ thể bạn khi bạn tức giận. Lúc đi khoá thiền này, tôi 24 tuổi và đã trải qua tức giận có lẽ 10,000 lần trước đó rồi; nhưng tôi chưa bao giờ cất công dõi theo cơn tức giận thực sự có cảm giác ra sao. Mỗi khi tức giận, tôi chỉ tập trung vào đối tượng của cơn tức, một cái gì đó mà ai đó đã nói hay làm, hơn là hiện thực giác quan của cơn giận.

Tôi nghĩ mình học về bản thân và con người nói chung bằng cách dõi theo các cảm giác của mình trong mười ngày đó nhiều hơn những gì mình đã học cả đời, tính đến thời điểm đó. Và để làm như vậy, tôi không cần phải chấp nhận bất cứ câu chuyện, lý thuyết hay huyền thoại nào. Tôi chỉ phải quan sát thực tế như nó vốn thế. Điều quan trọng nhất mà tôi đã nhận ra là nguồn cơn sâu xa nhất của đau khổ của mình nằm trong các mô hình của chính tâm trí mình. Khi tôi muốn cái gì đó và nó không xảy ra, tâm trí tôi phản ứng bằng cách tạo ra đau khổ. Đau khổ không phải là một điều kiện khách quan của thế giới bên ngoài. Nó là một phản ứng tâm lý do tâm trí tôi sinh ra. Học được điều này là bước đầu tiên để đi đến việc ngừng tạo thêm đau khổ.

Từ khoá học đầu tiên năm 2000 đó, tôi bắt đầu thiền hai tiếng mỗi ngày và mỗi năm tham gia các khoá tu thiền dài ngày khoảng một tháng hay hai tháng. Đấy không phải là chạy trốn hiện thực. Ít nhất trong hai giờ mỗi ngày, tôi thực sự quan sát hiện thực như nó vốn thế; trong khi hai mươi hai giờ còn lại, tôi bị ngập đầu trong email và các dòng tweet và các video chó con đáng yêu. Nếu không có sự tập trung và sáng tỏ mà thực hành này mang lại, tôi đã không thể viết được Sapiens hay Homo Deus. Ít nhất với bản thân tôi, thiền không mâu thuẫn với nghiên cứu khoa học. Trái lại, nó là một công cụ quý giá nữa trong bộ công cụ khoa học, đặc biệt khi ta cố tìm hiểu tâm trí con người.

#21baihocchotheky21 #yuvalnoahharari #homodeus #homosapien #booklover ♥️♥️♥️♥️♥️