Cuốn hồi ký “Châu Phi nghìn trùng” viết về quãng thời gian Isak Dinesen quản lý đồn điền cà phê ở Kenya là tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn, nơi cảnh quan thiên nhiên hòa quyện với những miêu tả con người trong một dòng văn xuôi đầy hoài nhớ về một vùng đất thiên đường đã mất.
Năm 1954, khi được trao giải Nobel Văn chương, Ernest Hemingway phát biểu rằng ông sẽ vui hơn nếu giải thưởng này được trao cho Isak Dinesen. Nữ nhà văn nổi tiếng người Đan Mạch có chân dung được in trên tờ 50 đồng krone này từng được đề cử nhận Nobel đến 9 lần, nhưng chưa bao giờ được nhận giải. Lời tâm sự của Hemingway vừa chân tình vừa xác đáng, bởi quãng những năm 1950 của thế kỷ 20 là thời gian mà danh tiếng của Dinesen lên tới đỉnh.
Câu mở đầu tác phẩm Châu Phi nghìn trùng vang lên đầy giản dị mà tóm lược cả một quãng đời đầy sự kiện: “Tôi có một đồn điền tại châu Phi, dưới chân rặng Ngong”. Isak Dinesen, là bút danh của Karen Blixen, đến châu Phi khi ấy còn là thuộc địa của đế quốc Anh vào đầu năm 1914, ngay trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Bà kết hôn với anh họ của mình, trở thành nữ nam tước và ở lại đấy đến tận năm 1931. 17 năm ở Phi châu, mảnh đất ấy đã trở thành máu thịt trong bà, chỉ đợi cơ hội để được bà bày ra trên trang giấy. Châu Phi nghìn trùng được chia thành năm phần, với các câu chuyện rời rạc không theo trật tự thời gian. Chỉ đến phần cuối cùng Từ giã đồn điền, Dinesen mới thuật lại một cách chi tiết, lý do vì sao bà phải rời châu Phi vĩnh viễn.
Qua những dòng văn da diết và đẹp đẽ của Dinesen, Kenya hiện lên như một thiên đường nơi trần thế. Thiên nhiên rộng lớn và đa dạng không chỉ là bức phông nền mà trở thành một thứ hiện diện trong đời sống buộc ta phải rợn ngợp chiêm ngưỡng. Những trường đoạn miêu tả rặng Ngong, trong đủ các sắc thái của nó, khi mùa mưa về, khi gặp nạn châu chấu đến, khi hoa cà phê nở… xứng đáng là những đoạn văn về thiên nhiên xuất sắc nhất trong lịch sử văn chương thế giới.
Châu Phi còn hiện lên qua những cuộc săn bắn của chính tác giả, nơi bà bắt gặp những con sư tử dưới ánh trăng tà; hay cả đàn trâu trong màn sương buổi sớm dưới vòm trời màu đồng, hay bầy voi đi ngang qua cánh rừng tự nhiên rậm rạp, hay đàn sếu hàng nghìn con như đang diễn một vở ba lê kết nối thiên đường và hạ giới.
Châu Phi nghìn trùng còn là tập hợp những con người đầy thú vị, cả những thực dân da trắng, và cả những người da đen của xứ thuộc địa mà tác giả có cơ hội gặp gỡ. Đó là ông già mù lòa Knudsen, một thủy thủ về hưu như con hải âu già bị xén cụt cánh đến xin sống nhờ ở khu đất của bà; đó là hai người bạn thân thiết Berkeley Cole và Denys Finch- Hatton từng cùng bà thâu đêm chuyện trò, coi nhà bà như nhà mình; đó là ông tộc trưởng Kinanjui người thường xuyên giúp đỡ; hay anh đầu bếp Kamante tài hoa vốn được bà chữa trị vết loét ở chân năm xưa, và cả anh người hầu thân cận Farah, kiêm phiên dịch của bà.
Dinesen, bằng những quan sát tinh tường của mình, hiểu ra rằng cái dây cuống rốn kết nối người bản xứ với thiên nhiên chưa bao giờ thực sự đứt lìa. Những hành động của họ, từ cách đi đứng, vận động, như hòa làm một với cảnh quan thiên nhiên. Những chiêm nghiệm đầy cảm thông và tinh tế của bà đem lại cho độc giả một cách nhìn sâu sắc về con người châu Phi. Và đời sống của bà, trong thinh lặng châu Phi, là những cuộc mạo hiểm liên tiếp, dù nhiều khi chỉ là lặng ngắm nhìn một con linh dương. Hòa làm một với thiên nhiên, cây cỏ chính là bà, mà làn không khí lạnh toát cũng là bà, cả rặng núi xa, cả đàn bò gần… Dinesen tạo nên một tổng thể sinh tồn hòa hợp khó lòng tách rời giữa đời sống thiên nhiên và con người.
Năm 1985, Châu Phi nghìn trùng được chuyển thể thành phim điện ảnh với hai diễn viên chính là Meryl Streep và Robert Redford. Thành công vang dội và được vinh dự trao tới bảy giải Oscar, bộ phim như vĩnh viễn tạc tượng hình tượng Karen Blixen, bởi không chỉ lấy tư liệu từ cuốn hồi ký mà còn bổ sung thêm nhiều chi tiết từ đời sống của bà. Những cảnh quay thảo nguyên, núi rừng, đàn sếu… từ trên không trung khiến người xem có cảm giác mình được chiêm ngưỡng thiên đường thu gọn trong tầm mắt.
Và những dòng tâm sự nhớ nhung một vùng đất vang lên, một nơi không còn có thể quay trở lại, buồn da diết, sâu thẳm: “Liệu châu Phi có biết đến một bài hát về ta? Liệu bầu không khí lay động trên thảo nguyên có gợn lên sắc váy áo tôi … liệu đàn đại bàng núi Ngong có lượn kiếm tìm tôi?”.
| Tạp chí Phái đẹp ELLE |