“Các sáng tác của Y.Kawabata luôn là một ẩn số lớn đối với người nghiên cứu. Ông được xem như đại diện cho tâm hồn người Nhật Bản: mỹ cảm, yêu chuộng cái Đẹp là tính cách cốt lõi của dân tộc Nhật. Đó chính là cái đặc điểm căn bản nhất mà tất cả những đặc điểm còn lại đều tập hợp xung quanh. Các chuẩn tắc thẩm mỹ nói chung, ở mức độ lớn, quy định triết lý sống của người Nhật và thị hiếu nghệ thuật xuyên suốt toàn bộ nếp sống của họ. Chính vì vậy, tác phẩm của Kawabata bao giờ cũng là một ẩn dụ lớn về triết lý nhân sinh. Người ta nhận thấy ở đây một hệ thống các biểu tượng văn hóa tham gia vào xây dựng tác phẩm. Hơn nữa, Kawabata cũng là một nhà văn am hiểu sâu sắc phật giáo thiền tông nên ông luôn có xu hướng tạo ra những ám thị, bừng ngộ bằng lối cách điệu, biểu trưng mạnh mẽ. Nó tác động đến tưởng tượng và bề sâu của tâm hồn. Bên cạnh mặt truyền thống, nhà văn cũng chịu ảnh hưởng văn hóa phương Tây đặc biệt là nghệ thuật “tân cảm giác” và thủ pháp kể chuyện “dòng ý thức” cũng như xu hướng huyền thoại hóa của một số nhà văn như J.Joyce, V. Woof. Chúng ta nhận thấy trong tác phẩm của Y.Kawabata xuất hiện một biểu tượng có thể coi là nỗi ám ảnh lớn – biểu tượng cơ thể nữ. Biểu tượng này thấm đẫm “Truyện ngắn trong lòng bàn tay” và được đẩy đến cao độ trong “Người đẹp say ngủ” – kiệt tác cuối cùng trong cuộc đời ông. Nó là một thứ mã nghệ thuật cần được lý giải để từ đó hiểu hơn về nhà văn vẫn được giới nghiên cứu xem như “mật tích” của Nhật Bản.” – Ngô Thị Thanh