“Không ai ngoài chính chúng ta có thể giải phóng tinh thần của chính mình”

Tyler thích sách, anh thích yên tĩnh. Anh thích việc bài trí, sắp xếp và dán nhãn. Có lần, mẹ tìm thấy cả một ngăn đầy bao diêm được sắp xếp theo năm trong tủ quần áo của anh. Tyler nói rằng chúng chứa những chiếc gọt chì của anh trong năm năm qua, mà anh đã sưu tầm để chế bật lửa cho những chiếc ba lô “thoát hiểm” của chúng tôi. Ngoài ngăn tủ đó, những chỗ khác trong nhà lộn xộn không chối cãi được.

Trong khi các anh tôi vật nhau thì Tyler nghe nhạc, Anh sở hữu chiếc máy nghe nhạc duy nhất mà tôi từng thấy tính cho đến lúc đó, và bên cạnh chiếc máy ấy anh ý để một chồng đĩa CD cao ngất với những từ lạ hoắc in trên đó như “Mozart”, “Chopin”. Một buổi trưa chủ nhật, khi anh khoảng mười sáu tuổi, anh bắt gặp tôi đang tròn mắt nhìn những đĩa nhạc ấy. Tôi cố chạy, bởi vì tôi nghĩ mình có thể bị anh nện cho một trận vì tò mò vào phòng anh, nhưng thay vì thế anh nắm tay tôi, dẫn tôi tới chỗ những đĩa nhạc đó. “E-em thích đĩa n-nào nhất?” Anh hỏi.
Tôi thích chiếc đĩa đen sì, với hình cả trăm người đàn ông và đàn bà mặc đồ trắng trên vỏ đĩa. Tôi chỉ vào nó. Tyler nhìn tôi vẻ hoài nghi, “Đ-đ-đây là nhạc h-h-hợp xướng đấy”, anh nói.

Anh tra đĩa nhạc đó vào cái máy nghe nhạc đen sì, sau đó ngồi vào bàn đọc sách. Tôi ngồi xổm trên sàn nhà, cạo cạo những hoa văn trên tấm thảm. Nhạc bắt đầu ngân lên: một hơi của bộ dây, sau đó là tiếng thầm thì của những giọng người, trầm bổng, êm như lụa, nhưng không hiểu sao lại vang vọng. Bài thánh ca này quen thuộc đối với tôi – tôi đã hát nó tại nhà thờ, một dàn đồng ca của những giọng hát không ăn nhập với nhau mấy cất lên trong nềm tôn kính – nhưng nhạc này khác. Nó cũng ngập tràn niềm tôn kính, nhưng nó cũng là điều gì đó khác, một điều gì đó liên quan đến học tập, kỷ luật và hợp tác. Một điều gì đó tôi chưa hiểu được.

Vì Tyler là con trai thứ ba, anh hầu như không nhớ trường và vui với việc học ở nhà. Cho tới khi anh bước sang tuổi mười ba. Sau đó có lẽ vì mẹ anh dành toàn bộ thời gian để dạy Luke đọc chữ, nên Tyler hỏi bố liệu anh có thể đăng ký đi học lớp tám hay không.

Tyler học ở trường cả năm đó, từ mùa thu năm 1991 tới mùa xuân năm 1992. Anh học đại số, môn học mà anh cảm thấy gần gũi và tự nhiên đối với đầu óc của anh như không khí đối với buồng phổi vậy. Thế rồi tháng Tám năm ấy gia đình Weaver bị bao vây. Tôi không biết sau đó Tyler có đi học trở lại hay không, nhưng tôi biết rằng sau khi bố nghe tin về gia đình Weaver, bố không bao giờ cho phép các con mình đặt chân tới một lớp học của trường công nữa. Tuy nhiên trí tưởng tượng của Tyler bị thu hút. Với số tiền mình có, anh mua một cuốn giáo trình lượng giác và mày mò tự học. Tiếp theo anh muốn học giải tích nhưng không đủ tiền để mua một cuốn sách khác, vậy nên anh tìm đến trường học, xin thầy giáo dạy toán của mình một cuốn. Ông thầy cười anh. “Cậu không thể tự học giải tích được đâu”, ông nói. “Việc đó bất khả thi.” Tyler xốc tới. “Thầy cứ cho em xin một cuốn, em nghĩ em có thể tự học” Anh ra về với một cuốn sách kẹp nách.

Một buổi trưa ấm áp, Tyler dẫn tôi tới thăm bà-trong-thị-trấn, người vẫn sống trong chính ngôi nhà mà ông bà đã nuôi nấng mẹ tôi, ngôi nhà khác một trời một vực so với nhà chúng tôi. Nhìn bề ngoài nhà không đắt tiền, nhưng nó được chăm sóc kỹ lưỡng – thảm màu trắng kem trên sàn, giấy dán tường trang trí hình hoa lá trên tường, những tấm rèm xếp ly dày trên các ô cửa sổ. Họ hiếm khi thay các thứ. Thảm, giấy dán tường, mặt bàn bếp – mọi thứ đều y như trong nhữg tấm ảnh màm tôi đã xem vê thời thơ ấu của mẹ tôi.

Bố không thích chúng tôi dành nhiều thời gian ở đó. Trước khi ông ngoại tôi về hưu, ông là một bưu tá, và bố nói bà thậm chí còn tệ hơn. Bà phù phiếm. Tôi không biết từ đó có nghĩa là gì, nhưng bố nói điều đó thường xuyên đến nỗi tôi đâm ra gắn nó với bà – với tấm thảm màu kem và giấy dán tường đầy hoa lá của bà.

Tyler thích mọi thứ ở đó. Anh thích không gian yên tĩnh, ngăn nắp, cái cách ông bà tôi nói năng với nhau thật nhẹ nhàng, hoà nhã. Trong ngôi nhà đó lúc nào cũng có mùi thơm thoang thoảng khiến tôi cảm thấy một cách tự nhiên mà không cần ai bảo ban, rằng tôi sẽ không la hét, không đánh bất cứ ai hoặc chạy xé gió trong bếp. Tôi không cần phải ai bảo, không cần phải ai bảo đi bảo lại, để tháo đôi giày dính bùn của mình để ở ngoài cửa.

Tara Westoyer