Để không chạy theo nhữg ảo ảnh hão huyền, ta đừng quên những gì phù hợp với thân phận chúng ta. Nhân loại có vị trí của nó trong trật tự của sự vật; tuổi thơ có vị trí của nó trong trật tự của đời người: phải xem xét người lớn trong người lớn, và xem xét đứa trẻ trong đứa trẻ. Chỉ định cho mỗi người vị trí của người ấy và xác định cho người ấy ở đó, chỉnh đón các đam mê của con người theo thể chất của con người, đó là tất cả những gì ta có thể làm cho sự an lạc của họ. Điều còn lại tuỳ thuộc những nguyên nhân bên ngoài không hề nằm trong quyền hạn của ta.

Chúng ta không biết thế nào là hạnh phúc hay bất hạnh tuyệt đối.Mọi sự đều hoà trộn trong cuộc đời này; ở đó người ta không nếm trải một cảm giác nào thuần tuý, người ta không ở hai khoảnh khắc trong cùng một trạng thái. Các tình cảm của tâm hồn chúng ta, cũng như nhữg biến đổi của thân thể chúng ta, ở tình trạng biến đổi liên miên. Cái tốt và cái xấu là chung cho tất cả chúng ta, nhưng với với những mức độ khác nhau. Người sung sướng nhất là người cảm thấy ít buồn khổ nhất; người khốn khổ nhất là người cảm thấy ít niềm vui nhất. Bao giờ đau khổ cũng nhiều hơn lạc thú: đó là điều khác biệt chung cho tất cả. Vậy hạnh phúc của con người nơi trần thế này chỉ là một trạng thái phủ định; phải ước lượng hạnh phúc ấy bằng số lượng ít nhất những nỗi khổ mà con người chịu đựng.

Mọi cảm giác buồn khổ đều không tách rời khỏi mong muốn tự giải thoát khỏi nó; mọi ý niệm về lạc thú đều không tách rời mong muốn hưởng thụ nó; mọi mong muốn đều giả định rằng có sự thiếu thốn, và tất cả nhữg thiếu thốn mà ta cảm nhận thấy đều nặng nề; vậy nỗi khốn khổ của ta là ở tình trạng bất tương xứng giữa mong muốn và khả năng. Một hữu thể có cảm giác mà khả năng ngang với mong muốn sẽ là một hữu thể tuyệt đối hạnh phúc.

Vậy sự khôn ngoan sáng suốt của con người hay bước đường dẫn tới hạnh phúc thực sự là gì? Chắc chắn đó không phải là giảm bớt mong muốn ở chúng ta; bởi, nếu mong muốn thấp hơn sức mạnh của ta, thì một phần năng lực của ta sẽ nhàn rỗi, và ta sẽ không hưởng dụng hết bản thể của mình. Cũng không phải là khuếch trương năng lực của chúng ta, bởi nếu mong muốn của ta đồng thời cũng khuếch trương với tỷ lệ lớn hơn, thì ta đang chỉ càng trở nên khốn khổ hơn thôi: mà con đường đó chính là sự giảm bớt sự thái quá của mong muốn với khả năng, là khiến cho sức mạnh và ý muốn hoàn toàn ngang bằng nhau. Chỉ lúc ấy mọi sức lực mới đều hoạt động, mà tâm hồn vẫn an bình, và người sẽ hoàn toàn cân bằng.

Thiên nhiên, vốn làm mọi điều mỹ mãn, thoạt tiên đã tạo lập con người như vậy. Thiên nhiên chỉ trực tiếp cho con người những mong muốn cần thiết cho việc bảo tồn nó và những năng lực đủ để thoả mãn các mong muốn này. Thiên nhiên đã để mọi mong muốn khác như thể dự trữ trong đáy tâm hồn con người, để chúng phát triển lên ở đó khi cần. Chỉ cần trong trạng thái nguyên sơ này mới gặp được sự cân bằng giữa mong muốn và có thể, và con người mới không khổ sở. Ngay khi những năng lực ở dạng tiềm thế của con người vừa bước vào hoạt động, là trí tưởng tượng, năng lực tích cực nhất trong mọi năng lực, liền thức tỉnh và vượt lên trước các năng lực khác. Chính trí tưởng tượng mở rộng cho chúng ta phạm vi nhữg điều có thể, hoặc về cái tốt hoặc về cái xấu, và do đó, kích thích và nuôi dưỡng các mong muốn bằng hy vọng thoả mãn được chúng. Nhưng mục tiêu mới đầu có vẻ như trong tầm tay lại trốn chạy nhanh hơn mức ta có thể đuổi theo; khi ta tưởng tượng mình đạt tới nó, nó liền biến hình và lấp ló xa xa phía trước ta. Vì không còn nhìn thấy miền đất đã đi qua được rồi, chúng ta chẳng coi nó ra gì; miền đất còn phải đi cứ lớn lên, trải rộng ra không ngừng. Cứ như vậy người ta kiệt sức mà không đi tới đích và ta càng được về sự hưởng thụ, thì hạnh phúc càng xa chúng ta.

Ngược lại, con người càng gần với điều kiện tự nhiên của mình, thì sự khác biệt giữa năng lực và mong muốn càng nhỏ, và do đó anh ta càng ít xa với hạnh phúc. Khi anh ta có vể như không có tất cả mọi thứ là hi anh ta ít khốn khổ hơn bao giờ hết; bởi nỗi khốn khổ không ở sự thiếu thốn các thứ mà ở nhu cầu cảm thấy đối với các thứ đó.

Thế giới hiện thực có những giới hạn của nó, thế giới tưởng tượng là vô tận; vì không thể mở rộng được thế giới nọ, thì ta hãy thu hẹp thế giới kia; bởi chỉ từ sự khác biệt giữa hai thế giới mà nảy sinh mọi nỗi khốn khổ khiến chúng ta thành bất hạnh thực sự. Hãy trừ đi sưc lực, sự khoẻ mạnh, chứng cứ tốt đẹp về bản thân, thì mọi điều hay của cuộc đời nãy đều ở sự kiến giải; hãy trừ đi những đau đơn của thân thể và những ân hận của lương tâm, thì mọi nỗi khổ của chúng ta đều do tưởng tượng. Mọi người sẽ bảo rằng, nguyên lý này là thông thường; tôi đồng ý như thế; nhưng sự thực hành ứng dụng lại không thông thường; mà ở đây chỉ bàn duy nhất về sự thực hành.

Khi người ta bảo rằng con người yếu đuối, người ta muốn nói lên điều gì? Cái từ “yếu đuối” chỉ một quan hệ, quan hệ của hữu thể được người ta áp dụng từ này. Hữu thể mà sức lực vượt quá nhu cầu, dù đó là một côn trùng, một con sâu, là một hữu thể mạnh; hữu thể mà nhu cầu vượt quá sức lực, dù đó là một con voi, một con sư tử, dù đó là một nhà chinh phục, một anh hùng, dù đó là một vị thần, đó là một hữu thể yếu. Thiên thần nổi loạn không nhận ra bản chất thật của mình thì yếu đuối hơn con người trần thế hạnh phúc sống an bình theo bản chất của anh ta. Con người rất mạnh khi bằng lòng với cái mình là; anh ta rất yếu khi muốn vươn lên trên nhân loại. Vậy xin các vị đừng hình dung rằng khi khuếch trương các năng lực là các vị khuếch trương sức mạnh; trái lại, các vị giảm đi sức mạnh, nếu lòng kiêu ngạo của các vị khuyếch trương nhiều hơn những sức mạnh ấy. Hãy ước lượng bán kính của phạm vi quyền hạn chúng ta, và hãy ở vào giữa như côn trùng ở giữa mạng lưới của nó; ta sẽ luôn tự túc được, và sẽ không hề phải phàn nàn về sự yếu đuối của mình, bởi ta sẽ chẳng bao giờ cảm thấy nó.

Jean-Jacques